Một Số Bệnh Phổ Biến Ở Mèo Mà Chủ Nuôi Cần Biết

Thú cưng được xem là người bạn thân thiết chào đón bạn về nhà mỗi ngày. Có một chú thú cưng ở bên cạnh, bạn sẽ thấy vui vẻ và không còn cô đơn sau một ngày mệt mỏi nữa. Bạn có thể chọn một chú chó, một chú mèo hay một chú chim làm bạn. Tuy nhiên, tùy vào mỗi loài sẽ có những đặc điểm khác nhau, cách chăm sóc cũng khác nhau, đặc biệt là giai đoạn thú cưng bị bệnh. Nếu bạn nuôi một chú mèo, bạn cần trang bị các kiến thức về bệnh của mèo. Điều này giúp bạn biết cách chăm sóc chúng khi chúng gặp vấn đề. Hôm nay, Cute Pet Shop sẽ giới thiệu đến bạn một số bệnh phổ biến ở mèo mà chủ nuôi cần biết. 

Một số bệnh phổ biến ở mèo

1. Nôn

Một số bệnh phổ biến bạn thường thấy ở mèo chính là nôn. Mèo có thể bị nôn do đường ruột bị ảnh hưởng bởi chế độ thay đổi, ăn thức ăn lạ, thức ăn hỏng… Ngoài ra, cách chăm sóc chưa hợp lý hay môi trường sống thay đổi cũng tác động đến hệ tiêu hóa của mèo. Tuy nhiên, nôn cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý khác. Các bệnh ở mèo như búi lông, tiểu đường, suy gan, nhiễm trùng,… cũng có thể gây ra nôn.

Nếu mèo của bạn bị nôn do thức ăn thì bạn chỉ cần để ý lại chế độ ăn uống là được. Bạn có thể cho mèo uống nước, uống sữa theo từng đợt để bù nước, thay đổi lượng thức ăn, hạn chế thức ăn dầu mỡ, ôi thiu,… Nhưng để an toàn, bạn nên đưa “bé cưng” đến bác sĩ thú y để kiểm tra. Việc thăm khám sẽ giúp bạn phát hiện nhanh chóng những bệnh tiềm ẩn và chữa trị kịp thời cho mèo.

2. Bọ chét

Khi nuôi mèo, bạn sẽ thường hay gặp tình trạng bọ chét mèo. Bạn có thể phát hiện ra bọ chét khi thấy mèo bị ngứa, da mèo có vết đỏ, rách. Đôi khi, bạn còn thấy ký sinh trùng ngay trên da mèo trong lúc chải lông hay tắm cho boss. Để xử lý bọ chét, bạn nên:

  • Vệ sinh nơi ở, đồ dùng của mèo bằng nước nóng.
  • Sử dụng các loại thuốc diệt bọ chét xịt trực tiếp lên chỗ ở của mèo.
  • Tắm cho mèo bằng sữa tắm diệt bọ chét hay nước thuốc diệt bọ chét.

3. Tiêu chảy

Tiêu chảy ở mèo xuất hiện do thức ăn bị ôi thiu, ẩm mốc, nhiễm độc, nhiều chất béo, đạm,… Tuy nhiên, tiêu chảy cũng là một trong những triệu chứng của bệnh rối loạn tiêu hóa, ký sinh trùng, giun sán, nhiễm vi khuẩn, virus,… Bạn có thể điều trị tiêu chảy cho mèo bằng cách:

  • Ngừng cho mèo ăn trong 12-24 giờ để ổn định dạ dày của mèo.
  • Bổ sung nước bằng cách cung cấp oresol cho mèo mỗi 2 tiếng một lần.
  • Sau đó, cho mèo bắt đầu ăn lại với khẩu phần ăn nhỏ và ăn nhiều bữa.
  • Không cho mèo ăn bơ, sản phẩm từ sữa, thức ăn nhiều dầu mỡ.

Nếu mèo vẫn không thuyên giảm, bạn hãy đưa chúng đi khám bệnh.

4. Bệnh care

Bệnh care ở mèo hay còn biết đến với tên gọi viêm ruột truyền nhiễm. Bệnh do virus FPV có trong nhân tế bào của mèo gây ra. Chúng có thể sống trong cơ thể thú cưng, sinh sôi và tấn công hệ miễn dịch của mèo trong vòng 24 giờ. Mèo có thể bị bệnh care do bản thân mắc virus bạch cầu, lây bệnh từ mèo hoang, mèo bị sảy thai và đẻ non,… Đây là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở mèo. Tốc độ lây lan bệnh và tỷ lệ tử vong khi mèo mắc bệnh rất cao.  

Bệnh care ở mèo có nguy hiểm không?

1. Triệu chứng bệnh care ở mèo

Virus FPV ủ bệnh trong cơ thể mèo từ 2 – 3 ngày, đôi khi kéo dài đến 5 – 7 ngày. Đây là một trong số bệnh phổ biến ở mèo với các dấu hiệu như:

  • Mèo sốt cao 40 độ C trong 24 giờ. Bên cạnh đó, mèo bắt đầu bỏ ăn, vô cảm, không cử động, suy sụp đột ngột, niêm mạc nhợt nhạt. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy lông của “hoàng thượng” xù nhám, bẩn.
  • Đôi mắt mèo lờ đờ, thiếu sức sống, sụp mí mắt và chảy nhiều nước mắt. Ở nơi góc mắt, gần mũi của mèo sẽ xuất hiện mí mắt thứ ba. Mũi miệng của bé cưng không còn hồng hào như tự nhiên mà trở nên thâm đen.
  • Bé mèo nôn nhiều lần và nôn ra mật có bọt. Vùng bụng của boss sẽ bị đau nhức, khi sờ nắn dọc theo đường tiêu hóa sẽ thấy nhiều dịch và hơi. Mèo bị tiêu chảy cấp và mất nước, phân có mùi hôi và lẫn máu.
  • Mèo ít vận động hơn, bước đi loạng choạng, run rẩy, không giữ được thăng bằng. Triệu chứng nặng nhất là mèo bị co giật động kinh.

Sau 2 – 3 ngày diễn ra các triệu chứng, thân nhiệt của mèo sẽ hạ thấp xuống dưới 36 độ C và hôn mê sâu. Nếu xảy ra tình trạng này thì khả năng mèo tử vong rất cao. Nếu điều trị kịp thời và sống sót qua 5 ngày thì bệnh sẽ dần thuyên giảm. Sau vài tuần tiếp theo, mèo dần khỏe lại và lượng bạch cầu sẽ trở lại bình thường.

2. Cách điều trị bệnh care cho mèo

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh care cho mèo. Vì thế, khi phát hiện mèo có các triệu chứng của bệnh, bạn cần đưa bé mèo đến bác sĩ thú y nhanh nhất để kịp thời chữa trị. Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện các bước sau:

  • Bước 1: Cách ly mèo bị bệnh và mèo khỏe mạnh. Để tránh lây bệnh, bạn nên cho mèo bị bệnh ở một khu tách biệt. Sau đó, thực hiện sát trùng xung quanh nơi mèo ở và các vật dụng của mèo. Song song đó, bạn cũng cần theo dõi các bé mèo còn lại để phát hiện bệnh kịp thời.
  • Bước 2: Giữ ấm cơ thể cho mèo bằng cách lót thêm thảm bông hoặc bật đèn sưởi ấm.
  • Bước 3: Cách tốt nhất để điều trị bệnh giảm bạch cầu là tăng cường sức đề kháng cho mèo. Bạn có thể giúp bé mèo bằng cách:
    • Bổ sung nước và điện giải cho mèo thông qua việc truyền dịch dịch Ringer Lactate, Glucose 5%, glucose 10% hay dung dịch mặn ngọt đẳng trương với liều 20-30ml/kg thể trọng vào tĩnh mạch.
    • Sử dụng thuốc kháng sinh như Ampicillin, G5000, Kanamycin để chống nhiễm trùng. Thuốc sẽ được tiêm vào bắp hay tĩnh mạch hai ngày lần, liệu trình điều trị từ 3 – 5 ngày.
    • Bổ sung các loại thuốc bổ Catosal, Bydyzym hay thuốc trợ sức, trợ lực, an thần cho mèo bệnh như các vitamin: B, C, B12¸Anagin,…
    • Chọn loại thức ăn dễ tiêu hóa và chia nhỏ lượng thức ăn. Khi mèo dần khỏe, bạn sẽ tăng dần khẩu phần ăn cho đến khi bằng với khẩu ăn bình thường.

3. Cách ngăn ngừa bệnh care ở mèo

Đối với một số bệnh phổ biến dễ truyền nhiễm ở mèo như bệnh care thì chủ nuôi không thể đợi mèo mắc bệnh mới điều trị. Chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng tránh bệnh để mèo luôn khỏe mạnh.

  • Tiêm phòng đầy đủ: Bạn cần tạo ra kháng thể cho mèo để phòng bệnh care bằng việc tiêm vaccine. Điều này cũng giúp quá trình chữa bệnh cho mèo dễ dàng hơn sau này.
  • Hạn chế cho mèo ra ngoài khi không có bạn theo quan sát và tránh tiếp xúc với mèo hoang để không bị lây lan virus.
  • Vệ sinh nơi ở của mèo ít nhất 1 lần/tuần và thường xuyên sát khuẩn.

Trên đây là một số bệnh phổ biến ở mèo mà bạn cần lưu ý, đặc biệt là bệnh care. Nhanh tay lưu lại dấu hiệu và cách điều trị bệnh cho mèo để kịp thời chăm sóc cho người bạn của mình nhé!

Bài viết liên quan